TÍNH CHẤT CỦA LỜI HƯỚNG DẪN

Tính Chất của lời Hướng Dẫn

 

 

Vào lúc này có nhiều lời hướng dẫn (guidances) đưa ra từ đủ mọi phía với giá trị khác nhau. Ta sẽ tìm hiểu tính chất của chúng, phân tích những nguồn hướng dẫn để thấy rằng vấn đề có tính rộng lớn, phức tạp hơn ta tưởng, kế đó một khi biết được nguồn gốc thì có thể biết được rõ ràng hơn giá trị của hướng dẫn khi gặp.

TỔNG QUÁT

Con người cần sự hướng dẫn tâm linh và có vài đường lối đáp ứng nhu cầu này cho ra chỉ dạy, việc áp dụng chúng có thể mang đến soi sáng nào đó, nhưng nếu không đi kèm với phân biện của cái trí thì kết quả đôi khi gây hại nhiều hơn lợi. Lời hướng dẫn được đưa ra bằng nhiều phương tiện, vào lúc này phương tiện nổi bật nhất là giáo phái, tâm lý, một trường phái tinh thần nào đó, chuyên chú vào việc quảng bá tín điều hay một ngành tâm lý. Sự việc gây ra vấn đề khi con người đặt mình vào trạng thái thụ động, tự kỷ ám thị, họ cảm thấy có sự thôi thúc, ép buộc đi theo một con đường, hành xử theo một cách riêng. Con người bị lôi cuốn vào dòng hoạt động, hoặc định hướng vĩnh viễn cuộc đời của họ khi sống theo qui luật của giáo phái, thường khi đó là một đời vô hại mà cũng có khi hết sức đáng ao ước, hoặc hoạt động ấy chỉ cho ra ảnh hưởng tạm thời một khi cái thôi thúc tiêu tan sức mạnh đi. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào, cái nguồn hướng dẫn ấy được gọi một cách mơ hồ là Thượng đế, được xem là thiêng liêng, được nói tới như là tiếng nói của ‘đức Chúa trong lòng’, là ơn kêu gọi. Nhiều chữ đại loại như vậy được dùng, tùy theo trường phái tư tuởng mà người ta thuộc về.

Khuynh hướng chìu theo dẫn dụ dưới hình thức này hay kia sẽ tăng dần, khi nhân loại càng lúc càng có định hướng rõ rệt hơn, ý thức nhiều hơn về cảnh giới nội tâm, và nghiêng nhiều về thế giới ý nghĩa hơn là thế giới hiện tượng. Lòng khát khao hiểu biết ý nghĩa cuộc đời, hay sự việc, làm người ta mù quáng để cho mình được hướng dẫn, nhận chịu sự dẫn dụ mà không thắc mắc, thái độ chấp nhận vô điều kiện ấy làm họ về sau trở nên người thụ động dễ dàng chi phối, và lòng nhận chịu lâu ngày trở thành thói quen, làm con người mất đi thiên tính trội nhất là tự do ý chí. Ngược lại nguy hiểm này sẽ không xảy ra nếu con người chịu suy nghĩ một chút về vấn đề, nguy hiểm cũng không đáng ngại cho lắm vào lúc này, vì có nhiều linh hồn tiến hóa đầu thai khiến vấn đề bị giới hạn phần nào, các linh hồn ấy lớn tiếng đòi hỏi có tự do chọn lựa, có hiểu biết thông minh về Thiên cơ, ‘ý Chúa'.

Để giải thích nguy hại của việc thụ động chấp nhận lời hướng dẫn, chúng ta nêu sau đây vài trường phái tư tưởng chủ trương có sự hướng dẫn, hay phương pháp và triết lý của họ thiên về việc phát triển cảm nhận nội tâm, nhưng lại thiếu không chỉ dạy những nguồn hướng dẫn khác nhau, hay dạy cách phân biệt các dấu hiệu, xem chúng từ đâu tới. Thí dụ như nghe được tiếng nói của cái tôi bên trong như trường phái tâm lý sẽ nói, hay cảm biết được ‘ý Chúa’ như tu sĩ theo dòng tu hay bảo.

Trong trường hợp 1, người nặng tình cảm trong mọi tổ chức tôn giáo thường có khuynh hướng tìm cách thoát khỏi những phiền toái và khó khăn của cuộc đời, bằng cách luôn luôn sống với cảm giác là có Thượng đế hướng dẫn họ, cộng thêm với lòng nhận chịu mù quáng về cái gọi chung là ‘ý Trời'. Niềm tin có Thượng đế hướng dẫn là điều hiển nhiên nên có, và là một bước cần thiết, nhưng người ta nên hiểu nó có nghĩa gì, để rồi dần dần chuyển hướng từ nhị nguyên (có ta và một Thượng đế bên ngoài) trở thành nhất nguyên, có sự đồng hóa ta với Thượng đế bên ngoài, biết rằng ta chính là Thượng đế, và tính thiêng liêng, tiếng nói nội tâm là một với đấng quyền uy ta nghĩ rằng ở bên ngoài.

Ý Trời (Chúa, Thượng đế) có thể có hình thức là việc áp đặt một hoàn cảnh sống và điều kiện không thể có lối thoát, đối tượng của sự áp đặt này là người thụ động sẽ chấp nhận nó, và không làm chút gì để cải thiện hay sửa đổi, tránh né hoàn cảnh. Số mạng và tình trạng của họ được xem như là nằm trong khuôn khổ và ranh giới mà họ ấn định một cách thụ động, bằng lòng không thắc mắc.Thái độ ấy sinh ra tâm lý chịu nhận chịu, và bằng cách gọi tình trạng mà họ gặp phải là sự biểu lộ của ý Trời, người ta có thể chịu đựng được nó. Đối với người như vậy, việc nhìn nhận luật Nhân Quả tác động từ kiếp này sang kiếp khác, và việc giải thích khó khăn gặp phải như là bài học phải học sẽ phá vỡ được tính thụ động, mù quáng, óc nhận chịu thiếu thông minh.

Sự sống không đòi hỏi con người có lòng nhận chịu và chấp thuận nơi con người, mà muốn ta có hoạt động, biết phân biệt giữa cái tốt có giá trị cao và cái không đáng ao ước, nó đòi hỏi sự vun trồng tinh thần tranh đấu cái sẽ sinh ra óc tổ chức, hiểu biết, và rồi cuối cùng làm con người bước vào cảnh đời có sinh hoạt tinh thần hữu ích. Định mạng không hề muốn biến con người thành nạn nhân bất lực của hoàn cảnh, hay là công cụ tự kỷ ám thị của một thiên tính được xác nhận nhưng chưa nẩy nở, mà con người có mục đích là trở thành người phân xử thông minh cho định mạng của chính mình, và là người biểu lộ có ý thức thiên tính bên trong của mình, Thượng đế nội tâm.

Trường hợp II cũng có hình thức riêng về điều sai lầm mà họ gọi là hướng dẫn này, và có bản chất khác với loại trên. Dầu vậy kết quả cũng có tính chất tương tự là làm cho người của giáo phái ở trong tình trạng bị dẫn dụ, bị hướng dẫn bằng lời huyễn mộng. Thường khi người đứng đầu tổ chức tự xưng là mình được tiếp xúc trực tiếp với Chân Sư, với nhiều Chân Sư, và được lệnh từ các ngài. Tổ chức đòi hỏi người trong nhóm có sự vâng lời không thắc mắc, với phần thưởng đưa ra là viễn ảnh một ngày kia tới phiên chính họ sẽ nhận được lời dạy của Chân Sư. Phần lớn những khó khăn tâm lý thấy trong các nhóm tôn giáo như vậy có thể truy ra từ thái độ này, và hy vọng đầy lôi cuốn trên.

Đối với hai điểm ấy, có lẽ cần lập lại những sự kiện sau, ấy là:

● Mục đích của mọi chỉ dạy trong một trường bí giáo chân chính, là làm cho con người tiếp xúc với linh hồn chân nhân của mình một cách hữu thức, mà không phải là tiếp xúc với Chân Sư.

● Chân Sư và Thiên Đoàn (Hierarchy) chỉ làm việc trên cảnh giới của chân nhân, như là linh hồn với linh hồn.

● Sự đáp ứng hữu thức với thiên cơ, với ấn tượng thiêng liêng tùy thuộc vào mức nhậy cảm của một người, và điều này có thể làm phát triển để có được thường trực giữa linh hồn và một người với não bộ của họ xuyên qua cái trí.

Người trong nhóm vì chưa sáng suốt nên còn đối xử với nhau như là cái tôi đối với nhau (personality), tuy nhiên muốn có được sự hiểu biết tâm linh và bước vào cảnh giới tinh thần, người ta cần phát triển để xử sự như chân nhân đối với chân nhân, và mức tiếp xúc nhiều hay ít tùy thuộc vào sự phát triển của linh hồn, vào loại cộng việc thực hiện. Nó cho thấy sự mở rộng của linh hồn mà không phải là sự tiếp xúc của phàm nhân, và tùy theo sự nẩy nở của linh hồn nơi cõi trần mà có tiếp xúc với cõi cao của Chân Sư. Sự hướng dẫn mà người trong các tổ chức bí truyền và giáo phái thường nhắc tới và đáp ứng lại, thì không phải là của Thiên Đoàn mà chỉ là phản ảnh nơi cõi tình cảm của hướng dẫn ấy, do đó người ta thực ra đáp ứng lại cái ảo ảnh bị biến dạng và của con người tạo ra, ảo ảnh của một thực tại tinh thần lớn lao. Trong khi đó, nếu muốn con người có thể đáp ứng với thực tại thay vì huyễn tưởng.

Ngoài những trường phái có tổ chức vừa kể còn có trường hợp khác, ấy là vào lúc này có đông đảo người tập Yoga và tham thiền. Một số nhỏ người biết cách tập và do vậy được an toàn, một số đông khác thì không biết về cả kỹ thuật, phương pháp lẫn kết quả mà nỗ lực của họ sẽ mang lại. Nhưng kết quả sẽ có và với đa số thì đó là sự hướng nội, quay tâm thức vào trong, là phát triển tinh thần suy ngẫm, làm người thực tập chú mục vào thế giới tâm tưởng bên trong, vào những cõi thanh hơn nhưng thường là cõi tình cảm mà ít khi là cõi tinh thần thực sự của linh hồn.

Trong lối tập ấy cái trí ít được sử dụng, và phương pháp tập luyện thường làm cho não bộ hóa thụ động và yên lăng, trí tuệ thiếu linh hoạt và lắm khi không được kích thích khơi động. Vì thế phần tâm thức duy nhất còn sinh hoạt là tình cảm, thế giới vật chất có giá trị rõ ràng bị đóng cửa, thế giới của trí tuệ cũng bị khoá chặt không bước vào, ta hãy thử tưởng tượng điều gì xảy ra khi ấy, khi chỉ còn thế giới tình cảm với cảm xúc con người vừa thanh cao lẫn không thanh cao, với huyễn mộng lan tràn và con người bước vào đó không được chuẩn bị để phân biệt.

Tình hình chung là hiện giờ người có khuynh hướng thần bí với bản tính tự nhiên hướng vào bên trong, vào đời sống tiêu cực đang nói rằng họ nghe được chỉ dạy, nhận được huấn thị và tuân theo ngay những gì mà họ cho là từ nguồn thiêng liêng xuống. Các nhóm thì bận rộn với việc hướng con người theo đường tinh thần, theo Thiên cơ. Một số nhóm làm việc thông minh và đôi khi có nhận định và nỗ lực đúng đắn, nhưng đại đa số thì không đúng vì phần lớn bản chất của họ là tình cảm, cảm xúc, là hình ảnh bắt gặp ở cõi tình cảm.

NGUỒN GỐC CỦA LỜI HƯỚNG DẪN

Trọn đề tài rất rộng lớn và quan trọng nhiều hơn là ta tưởng. Dưới đây ta thử xem nguồn cội của vài loại hướng dẫn mà người thiếu kinh nghiệm có thể tin vào.

a- Thái độ hướng nội của người có tính thần bí, chưa có kinh nghiệm làm biểu lộ ao ước của tiềm thức, người như vậy thường có ước nguyện sống đời tinh thần và hướng về cái thiện, nên nguyện vọng tuổi thiếu niên thiên về sinh hoạt tôn giáo. Họ diễn dịch nguyện vọng này như là sự hướng dẫn rõ rệt từ bên ngoài, và xếp đặt chúng sao cho đối với họ chúng trở thành lời của Thượng đế.

b- Có sự khám phá trở lại khuynh hướng và khát vọng tinh thần từ kiếp trước. Những điều này ẩn sâu trong bản tính của họ nhưng có thể được khơi dậy do kích thích của nhóm. Vì vậy họ khám phá trở lai tâm tính, khát vọng tinh thần mà trong kiếp này chưa xuất hiện. Chúng đối với họ hoàn toàn mới mẻ, lạ lùng và họ xem chúng là lệnh thiêng liêng từ Trời xuống, tuy nhiên các ý tưởng này đã nằm sẵn trong bản tính của họ mà ở dạng tiềm ẩn, và là khuynh hướng cố hữu trong tất cả mọi người.

c- Nguồn chỉ dẫn khác phát xuất từ bên trong người còn là do cá tính mạnh mẽ của ai hòa hợp cả trí não, tình cảm và thể chất. Họ thường khi không nhận ra đó là tư tưởng của mình.là tham vọng, ham muốn mà xem nó như đến từ một nguồn ở ngoài. Thường đó là người kích thích quá độ huyệt đan điền, khiến họ dễ tiếp nhận huyễn mộng của cõi tình cảm.

d- Lời hướng dẫn ghi nhận được còn có thể chỉ là sự nhạy cảm đối với ý lành, và lời thúc giục của người có thiện tâm trên đường tái sinh. Tình trạng tâm linh khó khăn của thế giới lúc này khiến cho nhiều linh hồn tiến hóa mau lẹ trở lại cõi trần, trong lúc chờ đợi tái sinh họ vẩn vơ nơi ranh giới hai cõi và có thể được người sống tiếp xúc một cách vô thức, nhất là về đêm khi tâm thức người sống rời khỏi thân xác. Những điều mà người sắp tái sinh chỉ dẫn được người sống nhớ lại lúc tỉnh thức, và diễn dịch như là lời của Thượng đế hướng dẫn mình.Các chỉ dẫn này thường khi là tốt lành, hay không xấu mà cũng không tốt, và đôi khi thiếu hiểu biết hoàn toàn.

e- Chỉ dẫn còn có thể có nét tình cảm, là kết quả của việc người có lòng thành tiếp xúc nơi cõi tình cảm, người như vậy có ước nguyện vững chắc nhưng trí tuệ còn yếu, và việc tiếp xúc xảy ra bằng vô số hình thức ta không thể nói hết được. Tất cả đểu nhuộm màu huyễn mộng, với một số lớn người lãnh đạo các nhóm và tổ chức lấy hứng khởi từ các nguồn này. Chúng không phải là chỉ dẫn thiêng liêng có giá trị thực hay lâu dài, chúng có thể vô hại, ngọt ngào, tốt lành và đầy thiện ý, chúng có thể nuôi dưỡng phần tình cảm, ước nguyện mà cũng có thể sinh ra tâm trí bất bình thường, hay khiến nạn nhân có tham vọng, đưa họ vào con đường ảo ảnh. Chúng không phải là tiếng nói của Thượng đế hay của bất cứ thành viên nào trong Thiên Đoàn, cũng không có nét thiêng liêng, giống như lời nói của bất cứ người thầy nào ở cõi trần không nhất thiết phải thiêng liêng.

f- Chỉ dẫn ghi nhận dược có thể là do người ta bắt được tư tưởng của một hay nhiều người khác, điều này thường xảy ra cho người khá thông minh và cho ai chuyên chú về trí tuệ, đó là hình thức thần giao cách cảm trực tiếp nhưng vô thức, với nhóm người mà họ có thể có sự thu hút biết hay không biết, tức sự truyền đạt xảy ra hữu thức hay vô thức, và về phẩm chất thì có đủ loại: tốt, xấu hay vô hại.

g- Cõi trí và cõi tình cảm chứa đầy hình tư tưởng mà người ta có thể bắt gặp, rồi diễn giải như là lời chỉ dạy. Một số hình tư tưởng này đôi lúc được các đấng cao cả dùng để giúp đỡ và hướng dẫn nhân loại, mà chúng cũng có thể bị các vong linh bất hảo sử dụng. Hình tư tưởng có thể rất hữu ích, nhưng khi con người xem đó là hướng dẫn thiêng liêng, là chỉ dạy không thể sai lạc và do đó đòi hỏi có chấp nhận mù quáng không thắc mắc, thì chúng trở thành mối đe dọa cho sinh hoạt tự do  của linh hồn và không có giá trị thực sự. Ta nên nhớ rằng người tiến bộ về mặt tinh thần không hề tìm cách kiểm soát một ai, hay đưa ra chỉ thị, hành động nào đòi hỏi người khác phải thi hành, nhưng có nhiều người bắt được hình tư tưởng  mạnh mẽ của các vị trong Thiên đoàn, sinh ra diễn dịch sai lạc hay điều gọi là chỉ dẫn thiêng liêng. Biến dạng của tư tưởng hay diễn dịch sai lạc xẩy ra khi trí năng ít phát triển, cá tính chưa tinh luyện và con người chưa thoát khỏi sự kiểm soát của phàm nhân. Hướng dẫn còn có thể do chân nhân truyền cho phàm nhân, nhưng chỉ khi nào cái trí có sự hiểu biết chân thực và đúng đắn, thì lúc ấy con người mới có hướng dẫn không sai lạc từ chân nhân rõ ràng minh bạch, xuống phàm nhân nơi cõi trần.

Chúng ta ghi nhận rằng xác định sai lạc về nguồn hướng dẫn sinh ra, vì người ta hoặc có xu hướng tình cảm nhiều hơn là trí tuệ, hoặc vì phát triển tình cảm nhiều hơn trí tuệ, hoặc còn vì những lý do khác. Hai nguyên do đầu cho thấy một trong các phương pháp để giải quyết tình trạng là vun bồi phần trí não, và thiên nhiên thực hiện việc này theo cách tuyệt diệu là sau một hay nhiều kiếp có sự mê muội ở cõi tình cảm, giống như quả lắc đi quá mức lên tới tột đỉnh ở một bên thì sẽ quay trở ngược lên tột đỉnh ở phía ngược lại, con người ở một kiếp sau chuyển qua  tâm trí đầy thắc mắc tìm hiểu, để tái lập thăng bằng và có sự phát triển đầy đủ trọn vẹn hơn. Giá trị thực sự của kinh nghiệm thần bí thu thập được trong kiếp trước không hề mất đi, cái ý thức nội tâm về tinh thần nằm tiềm ẩn qua nhiều kiếp, để rồi sau đó chổi dậy cho ra biểu lộ thực sự, lần này ý thức không có tính mơ hồ và khát vọng hướng tới một Thượng đế bên ngoài nữa tức tính nhị nguyên, mà nó được biến chuyển thành nhận biết rõ ràng về mặt trí tuệ, và tính nhị nguyên (ta và Thượng đế bên ngoài) nhường chỗ cho kinh nghiệm về tính hợp nhất, đối tượng bên ngoài  và cảm nhận bên trong hòa hợp tan biến vào làm một, sương mù của cảm xúc trôi đi, và cái gì thấy qua sương mù của huyễn tưởng ngày kia trở thành điều người ta Biết.

Ấy là trình tự của sự tăng trưởng tâm linh, bởi mục đích của cuộc tiến hóa là cả ba phần thể chất, tình cảm và trí tuệ được nẩy nở, tôi luyện. Theo đường lối đó tiếp theo cảm xúc phải là sự huấn luyện về trí não, thế nên với ai đang trong giai đoạn thiên về cảm xúc thì có thể được giúp đỡ, bằng cách khuyến khích họ phát triển từ từ sang giai đoạn trí tuệ, bằng cách phát sinh lòng hoài nghi, và có thể tiến xa hơn vào giai đoạn tạm thời bác bỏ mọi tin tưởng, tức chủ thuyết Bất Trí (Agnosticsm).

Ta giải thích thêm đó không phải là chủ thuyết vô thần, nhưng là thái độ tin rằng con người không biết được một số điều, hay không có gì để biết, và phủ nhận hiểu biết về những điều không thể chứng minh được như chuyện tâm linh. Chủ trương Bất Tri này là một thái cực, và nó được dùng làm thuốc chữa cho thái cực khác là sự tin tưởng thiếu suy nghĩ, huyễn tưởng. Kết quả vì vậy sẽ là việc tái lập mau lẹ sự thăng bằng cần có, nhưng tiến trình phải từ từ, vừa phải và đi đôi với một cuộc sống thể chất bình thường, có những sở thích bình dị, làm tròn trách nhiệm trong cuộc sống thay vì coi nhẹ hay trốn chạy để theo đuổi ‘chuyện tâm linh'.

Áp dụng vào thực tế thì có lời khuyên là người như vậy nên theo đuổi hai hoạt động, một là học về kỹ thuật hay toán để củng cố óc lý luận hợp lý, và hai là có sinh hoạt sáng tạo, như tập một ngành nghệ thuật ưa thích. Cả hai sinh hoạt này đều kích thích trí não làm việc, có tính tích cực đối nghịch lại với thái độ thụ động tiêu cực, chấp nhận viễn ảnh thần bí mà không thắc mắc. Óc lý luận cao độ làm cho nhận xét vững vàng, còn hoạt động có tính sáng tạo làm người ta mơ mộng cùng thực hiện được giấc mơ của mình. Kinh nghiệm thần bí lắm khi làm người ta mê mẩn với ảnh tượng đẹp đẽ, mà không nhất thiết cảm thấy phải thực hiện giấc mơ của mình, trong khi nghệ thuật sáng tạo vừa khiến có mơ mộng, mà cũng không ngừng hối thúc con người tạo ra tác phẩm tinh thần, do đó hóa chủ động, tích cực.

NGUYÊN DO

Sự việc nhiều trường hợp về ‘hướng dẫn' xảy ra vào lúc này có một số nguyên do trong đó ta có thể kể ba điều sau,
–Nguyên do thứ nhất là chu kỳ ngắn 100 năm, với việc có khích động vào phần tư cuối của thế kỷ, khích động này gây ra phần nào nhiều hiện tượng tâm linh lúc này, cũng như sự việc sẽ giảm bớt khi ta bước sang thế kỷ mới.
–Nguyên do thứ hai là cung sáu với đặc tính Sùng Tín ở giai đoạn đầu có nét nhị nguyên, con người hướng ra nguồn thiêng liêng ở bên ngoài, tìm chỉ dạy bên ngoài hơn là nhìn nhận có Thượng đế nội tâm, thái độ này làm mạnh thêm việc tìm kiếm vị thày ngoại giới, và
–Thứ ba là việc vào lúc này, có nhiều người còn mang tâm thức của giống dân Atlantis thuở xưa nặng về cảm xúc, mà chưa chuyển hóa sang tâm thức của giống dân Aryan thiên về trí tuệ hơn. Tâm thức ấy sẽ vẫn tiếp tục với khuynh hướng thần bí, và họ sẽ có những đóng góp đầy nét mỹ lệ vào kinh nghiệm chung của con người, nhưng chu kỳ lớn về tâm thức thần bí đang thu ngắn dần, cùng với sự kiểm soát có tính khoa học ngày càng tăng, vì người ta sẽ hiểu ra được vị trí của khuynh hướng thần bí trong việc phát triển tâm linh, cùng sự đóng góp của nó vào việc làm nảy nở ba đặc tính của phàm nhân là thể chất, tình cảm và trí tuệ.

Chu kỳ thần bí trong cuộc tiến hóa của người có thể ví như giai đoạn thiếu niên trong đời ta, nó có giá trị, cho ra viễn ảnh, mang lại sức sống và thúc đẩy ta về đúng hướng, làm vững chắc một số tiêu chuẩn và giá trị. Tuy nhiên chu kỳ ấy sẽ bị xem là bất hảo khi tới lúc cần được thay bằng một loạt giá trị mới và cao hơn, nhiều nét tinh thần hơn, với kỹ thuật được kiểm soát kỹ hơn. Như thế có mục đích trong đời, có kế hoạch vạch rõ, có sinh hoạt được hướng dẫn đúng đắn cuối cùng sẽ thay cho khát vọng tuổi thiếu niên, cho mơ mộng, cho ao ước tưởng tượng và nguyện vọng trong đời người, mà tương tự là cho luôn cuộc tiến hóa của các giống dân.

VAI TRÒ CỦA TRÍ TUỆ

Vừa rồi là thái độ về những hướng dẫn tổng quát gặp được nhiều vào lúc này, bây giờ nói riêng cũng vấn đề quá tin vào hướng dẫn mà trong nhóm phụng sự, thì trí tuệ cần được phát triển còn vì nguyên do khác. Luật huyền bí nói rằng con người có tự do ý chí, và một tổ chức tinh thần đích thực có đặc tính là thành viên thông minh trong tổ chức được tự do, độc lập thực hiện điều mà họ cảm nhận là đúng theo cách thức riêng của mỗi người, theo lối mà họ thấy là tốt nhất. Không ai có quyền áp đặt trong nhóm đó mà vị Thày chỉ đề nghị, đưa hướng dẫn, và thành viên hợp tác trong việc thực hiện chung một phần của cơ Trời mà tổ chức nhắm tới.

Thái độ sùng tín với vị Thày hướng dẫn không được khuyến khích trong nhóm tinh thần chân chính, và khám phá ra khuynh hướng này sớm chừng nào thì càng tốt chừng ấy cho ta, vì đó là thói quen nguy hiểm khi người ta tin vào trí thông minh của một cá nhân, hơn là chính trí thông minh thiêng liêng có trong tâm họ.

Cách giải quyết đối với lòng sùng tín này gồm có ba việc sau:

– Chỉ dẫn để con người tự biết chính mình, biết đến thiên tính của mỗi người.

– Làm cho họ thoát khỏi thẩm quyền tinh thần từ bên ngoài bằng cách gợi dậy lòng thắc mắc, ưa thích, có ý quan tâm trong trí họ, và chỉ phương hướng nơi có thể tìm câu đáp mà không là gì thêm.

– Tạo những điều kiện khiến họ bắt buộc phải dựa vào sức mình, dựa vào linh hồn của mình mà không dựa vào bất cứ một ai khác, dù ngay cả khi đó là một Chân sư Minh Triết.

Chủ đích của công việc là áp dụng sự thực rằng, để phát triển về mặt tinh thần đúng đắn thì không quyền uy, thẩm quyền nào được áp đặt, mà mọi tiến bước phải do chính con người chủ động.Thẩm quyền duy nhất được nhìn nhận là chân lý hiện ra trong tâm người trong mỗi thời đại, vào lúc này có nhiều chân lý được nhìn nhận hơn bao giờ hết trong lịch sử, cũng như có nhiều chân lý bị phủ nhận. Con người đã đạt tới mức tiến hóa khiến họ có thể biết được chân lý nếu nó được đưa ra hay khi được đưa ra, vì trí cụ thể của người nay đáp ứng cao độ với chân lý trừu tượng, và vì vậy đáp ứng với cách trình bày mới của sự tiến hóa.

Với chỉ dẫn thuộc đủ mọi loại đưa ra từ đủ mọi nguồn vào lúc này, người ta cần có ý thức cao độ để chọn lựa lời đúng đắn nên theo, và một vài nguyên tắc có thể được nêu ra, giúp cho sự phân biệt được dễ dàng hơn một chút.

●Ấy là trước tiên ta biết rằng vị thày chân chính không đi tìm người sùng mộ mình, vì sự thực là tương lai của mọi người vô cùng vinh quang, với tất cả có hạt giống thiêng liêng chờ được phát triển, đức Phật nói rằng ngài là Phật đã thành còn chúng ta là Phật sắp thành, còn đức Chúa chỉ dạy là chúng ta sẽ làm được nhiều điều vinh hiển hơn ngài đã làm nhờ sự tiến hóa.

●Thứ hai là trong giai đoạn đầu, chúng ta cần sự hướng dẫn như em bé cần bàn tay người lớn dìu dắt nâng đỡ lúc mới tập đi, nhưng sau đó muốn tiến xa hơn thì mỗi người cần sử dụng đôi chân, lý trí của mình, tự tìm đường, bởi chỉ dẫn thích hợp nhất đến từ trong tâm. Lúc sơ khai thì đó là lương tâm tức kinh nghiệm tích tụ, càng tiến xa thì đó càng là tiếng nói mạnh hơn tới mức ta không thể làm ngơ được. Nó là thẩm quyền duy nhất mà ta nên theo, và vị thầy chân chính sẽ làm ta chú tâm đến tiếng nói bên trong, thay vì đòi hỏi có sự tuyệt đối tuân phục họ, hay áp đặt uy quyền của họ lên ta, giống như một bà mẹ khôn ngoan sáng suốt sẽ buông lơi tay con để em bé tự mình đi, mà không nhất quyết rằng em bé phải lẽo đẽo theo sau bà trọn đời. Bà mẹ khuyến khích em bé có sự độc lập, thì vị thầy cũng sẽ hướng dẫn để chúng ta lắng nghe được tiếng nói của chân nhân, làm cho âm vang của nó choán ngập lòng ta, trở thành chỉ dạy quan trọng hơn tất cả.

Đây là vài ý thức căn bản mà ta có thể dựa vào để thẩm định các lời hướng dẫn đang tràn lan trong sách vở, hay đánh giá chủ trương của các giáo phái.

 

Sách tham khảo:
Esoteric Psychology, vol II  - A.A. Bailey